Tụ Hiền Trang Wiki
Advertisement
Tiêu phong

Cả cuộc đời anh gắn với: Bi kịch và anh hùng ...

Giới thiệu chung[]

Tiêu Phong (Chữ Hán: 萧峯) ,hay còn gọi là Kiều Phong (喬峰), là nhân vật chính trong ba nhân vật tiêu biểu (Kiều Phong, Đoàn Dự, Hư Trúc) của tiểu thuyết kiếm hiệp Thiên Long Bát Bộ do nhà văn Trung Quốc Kim Dung sáng tác. Tiêu Phong là một trong những đại anh hùng xuất chúng nhất trong tiểu thuyết Kim Dung. Và cũng là nhân vật chính có võ công mạnh nhất trong 15 bộ tiểu thuyết Kim Dung

là 1 đại anh hùng, mang cái chết để đổi lại hòa bình cho 2 dân tộc Hán- Liêu. Chàng mang một số phận bi kịch khi lỡ tay giết chết người mình yêu thương và tự tận tại Nhạn Môn Quan cũng là nơi hai người kết mối lương duyên khiến bao người cảm động thương tình. Ngoài 30 tuổi võ công đã đạt cảnh giới Đăng Phong Tạo Cực, là một trong những cao thủ tuyệt đỉnh của bộ Thiên Long Bát Bộ.

Thân thế tiểu sử[]

Là 1 cô nhi được vợ chồng họ Kiều nhận làm con nuôi, bái 2 vị sư phụ là Huyền Khổ đại sư của Thiếu Lâm và Uông bang chủ của Cái Bang. Minh sư xuất cao đồ, kết hợp với năng khiếu bẩm sinh khiến Tiêu Phong trở thành 1 đại cao thủ hiếm có.

Nhờ thân thủ cao cường, tinh minh mẫn tiệp, anh hùng hiệp nghĩa, lập được nhiều công lao nên Tiêu Phong được kế nhiệm làm bang chủ Cái Bang, đưa Cái Bang lên đỉnh cao nhất so với những lần xuất hiện khác trong tiểu thuyết Kim Dung, được tề danh là 1 trong 2 cao thủ bậc nhất đương thời Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung.

Tuy nhiên thân phận thật sự của Tiêu Phong lại là dòng dõi Khiết Đan, 1 dân tộc thù địch với Hán tộc bao đời nay. Chính bản thân Tiêu Phong cũng luôn coi là kẻ thù. Phụ thân chàng là Tiêu Viễn Sơn, bị trúng mai phục của nhóm cao thủ Trung Nguyên nên 2 vợ chồng đều mất mạng (thực ra Tiêu Viễn Sơn vẫn còn sống, bí mật này mãi về sau mới hé lộ). Chàng là đứa bé khi đó được mọi người thương tình đem về nuôi.

Ngoại hình, tính cách[]

  • Thân hình khôi vĩ, khuôn mặt rắn rỏi, mày rậm mắt to và sáng như điện dáng đầy vẻ thô hào nhưng quân tử, chính trực.
  • Tính tình phóng khoáng, đường hoàng đĩnh đạc, phong thái đại trượng phu, quang minh chính đại. Ghét ác như thù. Tuy mang nhiều thù hận trong lòng, tuy đứng giữa 2 lằn ranh dân tộc nhưng không nghiêng về bên nào. Vì tấm lòng nhân đạo anh hùng mà cuối cùng hi sinh tính mạng.

Võ công[]

Nhắc đến Tiêu Phong thì không thể không nói đến Hàng Long Thập Bát Chưởng - môn võ trấn phái của Cái Bang. Sau này chàng cùng với tiểu đệ của mình tên là Hư Trúc cùng nhau tinh giản, lượt bỏ đi 10 chiêu thức biến hóa rắc rối, tăng sức mạnh của chưởng pháp lên tầm cao mới có phần uy lực hơn để truyền cho nhân thế đời sau. Về sau Hồng Thất Công, Quách Tĩnh đều học được. Theo như Kim Dung viết chưởng pháp Tiêu Phong đã đạt tới cảnh giới "Vĩnh Viễn tất Bại", đối với Tiêu Phong chưởng pháp này đã vượt lên khỏi chí nhu, chí cương mà là bao hàm tinh hoa triết lý nho gia và đạo giáo. Chàng cũng là người duy nhất sử dụng Hàng Long Thập Bát Chưởng đến độ xuất chiêu Thần Tốc, trong chớp mắt đã xuất 3 chiêu Kháng Long hữu hối, kình phong bắn xa khoảng cách 10 trượng, phạm vi phủ rộng như bức tường thành cao và kình lực như sóng thần ập xuống, làm cho Đinh Xuân Thu là 1 Đại cao thủ đương thời phải khiếp sợ, không dám đấu trực diện.

Tiêu Phong đã dùng Hàng long thập bát chưởng đấu với 2 cao thủ đó là người tề danh với chàng là Mộ Dung Phục sở hữu tuyệt kỹ Đẩu chuyển tinh di cùng với tinh thông võ học trăm nhà và Du Thản Chi người sở hữu nội công Dịch Cân Kinh kết hợp Băng Tằm (Vạn độc chi vương) để trở thành nội công lợi hại nhất thiên hạ.

Hàng long thập bát chưởng của Tiêu Phong được tác giả miêu tả mãnh liệt không ai bì kịp, chàng xuất chưởng từ mấy trượng khiến Mộ Dung Bác đỡ đòn cùng phải chấn động toàn thân, khiến hai tay đỡ chưởng đau rát, tê dại.

Trong Tàng Kinh Các Thiếu Lâm, Tiêu Phong đánh 1 chường hùng hậu vô cùng khiến Mộ Dung Bác dùng Đẩu Chuyển Tinh Di cũng không thể tiêu giảm hết luồng lực đạo.

Và cũng trong Tàng Kinh Các thì Hàng long thập bát chưởng của Tiêu Phong đã khiến cho Vô Danh thần Tăng phải gãy xương, miệng hộc máu mà phải công nhận Hàng long thập bát chưởng quả là thiên hạ đệ nhất

Tiêu Phong cũng là nhân vật chính duy nhất được Kim Dung miêu tả là người có Thần Lực trời sinh và là Kỳ Tài võ Học, đã học là biết , đã biết là Tinh Thâm và chàng là người Thần Võ nên càng gặp vào hoàn cảnh khó khăn thì tiềm lực trong người càng có dịp phát dương.

Với khả năng trên, những môn nào chàng thi triển đều đạt uy lực cực cao, kể cả những chiêu thức phổ thông bình thường chàng cũng phát huy được sức mạnh. Trong trận ác chiến ở Tụ Hiền Trang, Tiêu Phong sử dụng Thái Tổ Trường Quyền đến cảnh giới Tinh Diệu tuyệt luân, mở ra 1 chân trời Võ Học mới cho các Cao thủ ở Tụ Hiền Trang, chàng chỉ dùng môn quyền pháp tầm thường nhưng đã đánh trên cơ Cao tăng Thiếu Lâm Huyền Nạn -Huyền Tịch hợp sức.

Và ngoài những khả năng trên, chàng còn được Kim Dung miêu tả gặp những đối thủ có nội công thâm hậu hơn, chiêu thức biến hóa hơn, nhưng vào lúc quyết định sinh tử thì chỉ với 1 chiêu, nửa thức, Tiêu Phong đã lật ngược được tình thế, khiến đối thủ tuy bại trận nhưng phải tâm phục, khẩu phục. Chính điều này đã làm cho Tiêu Phong là nhân vật chính mạnh mẽ bậc nhất trong 15 tác phẩm Kim Dung.

Các võ công của Tiêu Phong được nhắc đến trong truyện:

  • Hàng Long Thập Bát Chưởng: Tiêu Phong là người rút gọn bộ chưởng pháp này từ 28 chiêu xuống còn 18 chiêu, bằng cách bỏ đi các chiêu uy lực yếu, và thêm vào nhiều chiêu do ông sáng tạo ra. Ông chính là người sử dụng Hàng Long Thập Bát Chưởng giỏi nhất trong lịch sử Cái Bang. HLTBC của ông có thể thu phát tuỳ ý, thế mạnh như rời non dốc biển, không gì là không phá được. Ngoài ra HLTBC của Tiêu Phong được tả mạnh bạo vô tỷ, mãnh liệt không ai bì kịp.
  • Đả Cẩu Bổng Pháp: Tiêu Phong dường như chưa dùng để chiến đấu lần nào trong nội dung truyện, tuy nhiên cuối truyện ông đã dạy lại Đả Cẩu Bổng Pháp cho Hư Trúc, và giảng giải cả những chỗ tinh yếu trong bộ bổng pháp này. Đây là tuyệt kỹ trấn phái của Cái Bang, chỉ khi nào vào thế hung hiểm mới được dùng để thoát nạn
  • Cầm Long Công: Võ công thần diệu cách không lấy vật. Tiêu Phong đã luyện đến mức xuất thần nhập hoá, có thể bắt người, chộp vật từ cách xa 3-4 thước.
  • Hàng Ma Chưởng: Lúc học nghệ ở Thiếu Lâm, Tiêu Phong đã học được võ công này. Đây là 1 trong 72 tuyệt kỹ Thiếu Lâm, mang kình lực nhu hòa, nhẹ nhàng, như không nhưng bên trong rất lợi hại
  • Long Trảo Thủ: 1 trong 72 tuyệt kỹ Thiếu Lâm, Tiêu Phong đã dùng võ công này khi tỉ thí với Phong Ba Ác, đây là loại cầm nã cương mãnh, tốc độ và tối thượng thừa trong võ lâm

Quan hệ[]

  • Kết nghĩa huynh đệ với 2 nhân vật chính còn lại là Đoàn DựHư Trúc.
  • Có mối tình chung thuỷ với A Châu nhưng trong 1 hoàn cảnh éo le đã lỡ tay giết chết người yêu.
  • Được A Tử - em gái A Châu yêu. Nhưng chàng chỉ chăm sóc A Tử vì nghĩa vụ do A Châu nhờ.
  • Là con trai Tiêu Viễn Sơn - dòng dõi Khiết Đan.
  • Nhận Uông bang chủ làm sư phụ, làm bang chủ Cái Bang. Có mối liên hệ với Thiếu Lâm vì nhận Huyền Khổ đại sư làm sư phụ.
  • Tình cờ cứu được Liêu chúa, kết nghĩa huynh đệ với ông ta, được phong làm Nam Viện Đại Vương của nước Liêu (tức Khiết Đan)
  • Thù oán như mây, nhưng cuối cùng đều được hoá giải.

Bi kịch[]

Phát hiện thân thế[]

Đang là bang chủ Cái Bang uy chấn võ lâm thì một bí mật động trời hé lộ: Kiều Phong thực ra họ Tiêu, là dòng dõi Khiết Đan mà lâu nay cả người Tống nói chung và bản thân Phong nói riêng đều coi như mọi rợ, coi như kẻ thù. Không còn ai ủng hộ, thậm chí muốn truy giết và bản thân cũng cảm thấy không thể ở lại, Tiêu Phong ra đi.

Đại ác nhân là ai[]

Trên đường truy tầm lật lại những trang sách bí mật của đời mình, lần lượt những người nắm giữ sợi dây bí mật ấy đều bị sát hại và hung thủ được xem là Tiêu Phong. Giang hồ lại thêm lí do để muốn giết đại ác nhân Tiêu Phong. Nhưng thực ra đại ác nhân ấy là ai?

Dứt tình đoạn nghĩa[]

Ở Tụ Hiền Trang, vì muốn nhờ Diêm Vương Địch Tiết Mộ Hoa cứu lấy A Châu mà Tiêu Phong không ngại nguy hiểm trùng trùng bủa vây. Tại đây chàng đã hiên ngang khẳng khái cùng những huynh đệ bằng hữu khi xưa uống chén rượu tuyệt giao. Từ đây trên giang hồ Bắc Kiều Phong không còn bằng hữu, chẳng có huynh đệ (tất nhiên trừ Đoàn Dự và Hư Trúc).

Sai lầm lớn nhất[]

Đang trong lúc cảm thấy cô độc nhất thì Tiêu Phong quen A Châu, 2 người yêu nhau và định cùng nhau ra quan ngoại sống cuộc đời yên ả, không sóng gió giang hồ, không gió tanh mưa máu, hết thù dứt oán. Tuy nhiên đau đớn thay, trong một tình huống éo le, Tiêu Phong đã lỡ tay xuống chưởng giết chết A Châu.

Hi sinh[]

Bản thân Tiêu Phong không hề muốn xảy ra xung đột giữa 2 dân tộc mà mình gắn bó, cũng không muốn giúp bên nào bỏ bên nào. Cái chàng mong muốn nhất là hoà bình, là nhân dân yên ổn. Đỉnh cao của bi kịch, cũng là đỉnh cao của thiên anh hùng ca về một đại anh hùng bậc nhất trong tiểu thuyết võ hiệp là hình ảnh Tiêu Phong tự vẫn trên Nhạn Môn Quan để đổi lấy hoà bình.

Kết[]

Cuộc đời và con người Tiêu Phong nói chung có thể gói gọn trong 2 từ: bi kịchanh hùng. Bi kịch triệt để và anh hùng thật sự.

Advertisement